0934425988 <=
dichsohn@gmail.com
Cấp các văn bằng đại học và sau đại học với phiên bản tiếng Anh là một nỗ lực lớn của Bộ Giáo dục trong những năm gần đây trong việc đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với thế giới. Tuy nhiên, ngoài việc văn bằng Việt Nam chưa được chấp nhận rộng rãi trên thế giới thì cũng có nhiều người bị xăm xoi văn bằng bởi cách ghi tên bằng có phần “Việt hóa” tiếng Anh. Đỉnh điểm của rắc rối gần đây là sinh viên Việt Nam bị phía Hàn Quốc từ chối cấp visa làm việc bởi cách ghi tên bằng “không giống ai”.

Theo Thông tư số 19 của Bộ Giáo dục, tên gọi của các văn bằng được chia theo ngành học, cụ thể là Đối với ngành kỹ thuật ghi “BẰNG KỸ SƯ”, đối với ngành kiến trúc ghi “BẰNG KIẾN TRÚC SƯ”, đối với ngành y ghi “BẰNG BÁC SĨ” hoặc “BẰNG CỬ NHÂN”, đối với ngành dược ghi “BẰNG DƯỢC SĨ” hoặc “BẰNG CỬ NHÂN”, đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế ghi “BẰNG CỬ NHÂN”, đối với các ngành còn lại ghi “BẰNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC”. Có lẽ không có nhiều rắc rối với phiên bản tiếng Việt nhưng Bộ Giáo dục lại cố gắng dịch các tên gọi này ra tiếng Anh thay vì chuẩn hóa nó theo chuẩn tiếng Anh.
Cụ thể, bằng kỹ sư được viết là “THE DEGREE OF ENGINEER”, bằng ngành học kiến trúc sẽ được dịch thành “THE DEGREE OF ARCHITECT”, ngành y là “THE DEGREE OF DOCTOR OF MEDICINE” hoặc “THE DEGREE OF BACHELOR”, ngành dược ghi “THE DEGREE OF PHARMACIST” hoặc “THE DEGREE OF BACHELOR”, Đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế ghi “THE DEGREE OF BACHELOR”, đối với các ngành còn lại ghi “THE DEGREE OF BACHELOR”. Cách ghi như thế này trên văn bằng có phần khô cứng theo kiểu dịch Việt – Anh (mặc dù không sai về ngôn ngữ), hoàn toàn không giống với chuẩn của thế giới nói tiếng Anh. Ví dụ như “engineer” trong tiếng Anh không phải là một trình độ, mà là một vị trí công việc trong các ngành khoa học kỹ thuật. Có rất nhiều người có bằng Tiến sĩ vẫn làm việc ở vị trí “engineer”.

Một ví dụ về văn bằng đại học của Trường Đại học Wisconsin Milwaukee. Bằng này được ghi là “Bachelor of Science” thay vì “The degree of bachelor”.

Chuẩn hóa theo cách ghi bằng cấp của Anh ngữ, các bằng cấp ở trình độ đại học (tương ứng với cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư,… tùy theo ngành ở Việt Nam) luôn được gắn với chữ “Bachelor” và đi kèm với cách tiếp ngữ về nhóm ngành học. Văn bằng đại học phổ biến thường bao gồm: “BACHELOR OF SCIENCE” (B.Sc.), “BACHELOR OF ART” (B.A.) cho các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, kinh tế…, hoặc “BACHELOR OF ENGINEERING” (B. Eng.) đối với các ngành kỹ thuật (tương ứng với kỹ sư ở Việt Nam). Đối với ngành luật, văn bằng thường là “BACHELOR OF LAWS” (L.L.B), còn người tốt nghiệp đại học ngành y thường có văn bằng “BACHELOR OF MEDICINE” (B.Med.)…

Một bằng kỹ sư tin học, được viết là “The degree of engineer”.

Cách ghi về nơi trao bằng cũng nên được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế (trong phiên bản tiếng Anh). Cụ thể là Hiệu trưởng thông thường không có thẩm quyền trao bằng, mà bằng được trao bởi hội đồng trường trên cơ sở sự giới thiệu của khoa chuyên ngành khi người cấp bằng đủ trình độ. Chữ ký của Hiệu trưởng đại diện cho hội đồng (xem một ví dụ bên trên). Bằng đại học thường được ghi trang trọng “The Degree of Bachelor of ..(ví dụ Science, Art, Engineering…)”, thay vì các ngành cụ thể.
Cũng tương tự như văn bằng ở trình độ đại học, văn bằng trình độ Thạc sĩ (Master) cũng được hướng dẫn một cách “thiếu chuẩn hóa” trong thông tư 23/2009/TT-BGDĐT. Bằng Thạc sĩ được dịch Việt – Anh một cách khô cứng là “The degree of master” thay vì có đủ các tiếp ngữ (Science, Engineering.. tương tự như bằng đại học). Theo hệ thống văn bằng Anh ngữ, bằng Thạc sĩ sẽ bao gồm: “Master of Science”, “Master of Art”, “Master of Engineering”, “Master of Laws”,…
Thay lời kết cho bài viết này, người viết kêu gọi Bộ Giáo dục nên có tham khảo một cách hệ thống về cách trình bày văn bằng (tiếng Anh) từ các nước nói tiếng Anh (Anh, Mỹ, Úc…) để chuẩn hóa hệ thống văn bằng theo chuẩn mực thế giới thay vì cố gắng “dịch” một cách khô cứng Việt – Anh các văn bằng. Điều này không chỉ giúp cho sinh viên Việt Nam thuận tiện hơn trong công việc với các nước trên thế giới, mà cũng chính là một việc hướng giáo dục Việt Nam gần hơn với chuẩn mực thế giới.



Để lại bình luận