Được một nhà phát triển ẩn danh (cho tới giờ vẫn là bí ẩn, với tên giả Satoshi Nakamoto) giới thiệu năm 2009, bitcoin (tiền ảo) là một loại tiền tệ số dựa trên một mã nguồn mở và giao thức Internet ngang hàng.
Bitcoin là gì và sử dụng ra sao?
Cách thức hoạt động của bitcoin khác hẳn các loại tiền tệ điển hình. Nó không cần một ngân hàng trung ương để quản lý, cũng không cần các tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh, mà có thể được trao đổi trực tiếp qua các máy tính cá nhân bằng một tập tin ví hoặc một trang web.
Nhờ các ưu điểm không cần ngân hàng trung ương, kênh trung gian, có thể chia nhỏ tới mức gần như vô hạn và ít nguy hiểm, phí thanh toán bitcoin rẻ hơn rất nhiều so với thanh toán thẻ tín dụng và chuyển khoản. Chi phí gửi tiền bitcoin không phụ thuộc vào số lượng gửi, khiến nó trở nên rất hấp dẫn với những người muốn chuyển tiền số lượng lớn.
Theo danh sách trên trang bách khoa toàn thư về bitcoin (1), hầu hết những gì mua được bằng bitcoin hiện chỉ là các sản phẩm ảo: phần mềm, trò chơi trực tuyến, đánh bạc…, hoặc các sản phẩm hỗ trợ và giới thiệu chính… bitcoin. Chỉ vài trang bán hàng trực tuyến bán các sản phẩm “vật chất” là chấp nhận bitcoin, bao gồm một trang bán rượu, bán đồ dùng cắm trại… Hầu như tất cả các trang mua bán trực tuyến lớn đều chưa chấp nhận loại tiền này.
Chẳng hạn, trang bitpremier.com bán các tác phẩm nghệ thuật, trang sức, xe hơi sang và đồ xa xỉ có liệt kê giá tiền đồng thời bằng bitcoin và bằng USD, theo tỉ giá hiện hành (2). Trong đó, một chiếc Nissan GT-R đời 2014 có giá niêm yết 139.000 USD hay 138,602 bitcoin, một chiếc đồng hồ Girard Perregaux Vintage năm 1945 có giá 20.000 USD hay 19,901 bitcoin.
Để mua các sản phẩm này, trước hết bạn phải có số bitcoin tương ứng. Để mua bitcoin, đầu tiên bạn phải có một ví bitcoin, một phần mềm quản trị đồng tiền này có thể tải về dưới dạng ứng dụng mạng, cài vào máy tính hoặc điện thoại di động, với các tính năng bảo mật phức tạp.
Sau đó, bạn có thể mua bitcoin từ nhiều nhà cung cấp (bao gồm cả các trang tiếng Việt như muabitcoin.com (3), blockchain (4) hay exbitcoin (5)). Những trang này đều có hướng dẫn chi tiết về việc giao dịch và chuyển khoản tiền mặt, bằng đồng Việt Nam, theo tỉ giá để nhận được số bitcoin tương ứng.
Lợi bất cập hại?
Tính tiện dụng và những rủi ro của bitcoin đã gây ra rất nhiều tranh luận. Tuần trước, Ủy ban an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần rất được chú ý nhằm “xác định những rủi ro, đe dọa và hứa hẹn tiềm tàng của các loại tiền tệ ảo”, với cuộc tranh luận về bitcoin là trọng tâm.
Ủy ban muốn có những hình dung ban đầu về loại tiền tệ này. Một phía là những người muốn có các giao dịch nhanh chóng, nặc danh và dễ dàng. Bên kia là chính phủ muốn kiểm soát các hoạt động tội phạm.
Những kẻ đầu cơ và rửa tiền cũng đã chú ý rất nhiều tới bitcoin. Chính loại tiền này đã cho phép trang mạng Silk Road, bị Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi tháng 10, trở thành “thị trường ma túy bất hợp pháp lớn nhất trên Internet”, theo Mạng lưới về tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ. Những khách hàng của trang này mua ma túy bằng bitcoin, do đó không bị phát hiện giao dịch tài chính, né tránh và rửa thành tiền sạch hàng trăm triệu USD.
Trong khi những người dùng bitcoin cần hàng loạt mật mã số bí mật để có thể vào tài khoản của họ, sự nặc danh của hệ thống trở nên dễ tổn thương khi tiền ảo được đổi thành tiền thật. Hiện giờ, nhà chức trách Mỹ đã có một số luật lệ nhất định với việc chuyển bitcoin thành tiền thật, nhưng khi điều này diễn ra ở một quốc gia nơi nhà chức trách Mỹ không thể tiếp cận, sẽ xuất hiện những cơ hội cho các hoạt động rửa tiền.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cũng cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro “những vụ lừa đảo bitcoin quy mô lớn”. Trong một vụ việc điển hình, SEC đã truy tố Trendon T. Shavers, kẻ đứng đầu một đường dây lừa đảo bitcoin lớn ở Texas hứa hẹn sự giàu có bất ngờ cho những người tham gia. SEC cũng đang nghiên cứu một đề xuất hợp pháp hóa bitcoin của Cameron Winklevoss và Tyler Winklevoss, những nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng với việc bỏ tiền cho Facebook.
Từ năm 1999, Milton Friedman, kinh tế gia đoạt giải Nobel, đã đưa ra tiên đoán về một loại tiền tệ ảo khi Internet bắt đầu lan ra toàn cầu. Ông mô tả nó có thể “giúp bạn chuyển khoản từ A tới B mà A không biết B hay B không biết A, theo cách mà tôi có thể nhận được đồng 20 USD từ bạn nhưng không hề biết nó đến từ đâu, và bạn thì không biết tôi là ai.
Tuy nhiên, điều đó sẽ tạo ra những vấn đề, một loại tiền như thế sẽ có mặt tiêu cực. Những băng đảng tội phạm và những người muốn giao dịch bất hợp pháp cũng sẽ thuận lợi hơn khi tiến hành các giao dịch”.
Nơi dùng, nơi cấm
Trong tháng 11-2013, Đại học Nicosia ở đảo quốc Cyprus đã trở thành trường đại học đầu tiên trên thế giới chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng bitcoin, theo một thông cáo báo chí trên trang chủ của trường. Đại học Nicosia là trường tư lớn nhất ở Cyprus, sẽ mở khoa đào tạo thạc sĩ về tiền tệ ảo và có kế hoạch phát triển hòn đảo thành một trung tâm giao dịch bitcoin toàn cầu.
Trong khi đó, hồi tháng 7, nhà chức trách Thái Lan đã ra lệnh cấm việc trao đổi và sử dụng bitcoin ở nước này. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tuyên bố bitcoin là bất hợp pháp, biến nước này thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt bitcoin ngoài vòng pháp luật. Ủy ban chính sách và quản trị ngoại hối Thái Lan tuyên bố lệnh cấm này là do “chưa có hệ thống pháp luật, các biện pháp kiểm soát nguồn vốn áp dụng tương ứng cho bitcoin”.
Theo đó, mọi hoạt động liên quan tới bitcoin ở Thái Lan đều bị coi là phạm pháp, bao gồm mua bán, sử dụng và mua bán hàng trên mạng, gửi hoặc nhận bitcoin. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói khả năng biến lệnh cấm này thành các biện pháp cụ thể là rất khó, bởi bitcoin đúng nghĩa là “tiền ảo”, khó lòng kiểm soát các giao dịch loại tiền này qua mạng.
Cho tới giờ, tiền ảo vẫn chỉ là một công cụ đầu cơ hơn là một loại tiền tệ giao dịch thật sự. Bằng chứng là ngay sau phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ, giá giao dịch bitcoin đã tăng khoảng 50%, lên 900 USD, nhưng không đầy 24 giờ sau, nó đã giảm xuống còn không tới 700 USD.
Bitcoin được tạo ra bằng các thuật toán được thiết kế ngày càng khó. Các máy tính của người dùng kết nối với hệ thống sẽ xử lý số liệu phức tạp để “đào” được Bitcoin. Bitcoin hoàn toàn dựa trên công nghệ kỹ thuật số do đó người không bao giờ có thể chạm tay vào đồng Bitcoin ‘”thực” nếu không mua bán các bản sao của nó.
Nguồn cung Bitcoin cũng hạn chế như bất cứ loại tiền nào. Mỗi giờ có khoảng 300 đồng tiền Bitcoin được tạo ra, nhưng cứ 4 năm tỷ lệ này lại giảm một nửa và tổng lượng cung Bitcoin không vượt quá 21 triệu đồng tiền vào năm 2030
Bạn có thể chuyển $100.000 cho người thân từ Việt Nam sang Mỹ dưới dạng tiền ảo Bitcoin mà không phải tốn một xu phí giao dịch! Đồng thời không ai có thể truy vết ra ai là người gửi tiền và ai là người nhận tiền.
Nếu được chấp nhận rộng rãi, Bitcoin có thể tạo ra một cuộc cách mạng về tài chính trên thế giới. Nó có thể cắt giảm hàng đống tiền chi cho những hoạt động trung gian như: gửi tiền, chuyển tiền, vận chuyển, nhân viên giao dịch v.v…
Tuy nhiên, đây cũng là môi trường lý tưởng để giới tội phạm sử dụng. Đó là lý do các đồng tiền ảo lớn nhất trên thế giới hiện nay đều xuất phát từ các quốc gia có tội phạm công nghệ cao (Nga, Costa Rica…)
Để lại bình luận