0934425988 <=
dichsohn@gmail.com

Một phiên dịch viên giỏi cần có những khả năng như thế nào?

Là một quốc gia tự hào được tạo lập từ những người di cư, Hoa Kỳ có số lượng rất lớn những người có thể nói hai thứ tiếng. Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, có gần 31 triệu người Mỹ nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà, đồng thời vẫn nói tiếng Anh rất tốt – chiếm khoảng 10% dân số.

Hiện nay, theo đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), sẽ có hơn 10 triệu bệnh nhân có trình độ thông thạo tiếng Anh hạn chế (LEP) được tiếp cận với bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các bệnh nhân LEP dễ gặp rủi ro về sức khỏe hơn, có tỷ lệ tái nhập viện cao hơn và lưu trú tại bệnh viện lâu hơn, và cũng xảy ra biến chứng nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu phiên dịch viên y tế có trình độ vẫn tiếp tục gia tăng.

Phiên dịch là một nghề chuyên môn cao, đòi hỏi đào tạo và thực hành. Các phiên dịch viên chuyên nghiệp sở hữu nhiều kỹ năng mà một người nói được hai ngôn ngữ thông thường không có, hoặc có nhưng không đủ sắc bén. Phiên dịch viên chuyên nghiệp thường chỉ coi việc nói được hai ngôn ngữ là bước khởi đầu trong quá trình đào tạo cần thiết để trở thành phiên dịch viên.

PGS-TS Holly Mikkelson, chuyên ngành Biên dịch và phiên dịch thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey đã nêu trong bài viết “Phiên dịch là phiên dịch – có đúng thế không?” rằng “Thực tế là nhiều người được gọi đến để phiên dịch trong những bối cảnh cụ thể thiếu các phẩm chất của phiên dịch viên chuyên nghiệp không có nghĩa là những phẩm chất này là không cần đến; mà chỉ đơn thuần có nghĩa là khách hàng yêu cầu dịch vụ phiên dịch không đánh giá cao tầm quan trọng của chúng.”

Vậy, những kỹ năng nào là cần thiết để một người được xem như một phiên dịch viên chất lượng?

Các kỹ năng ngôn ngữ – Yêu cầu này có thể coi là cho sẵn, nhưng hầu hết mọi người không nhận ra mức độ kiến thức và từ vựng cần thiết chỉ trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Michelle Hof, một phiên dịch viên hội nghị chuyên nghiệp và người huấn luyện phiên dịch viên, chủ trang blog The Interpreter Diaries (Nhật ký phiên dịch viên) từng viết: “Là một phiên dịch viên, bạn cần có khả năng thể hiện bản thân thật tốt qua những tập hợp từ ngữ khác nhau, và tiếp cận được với một vốn từ vựng chủ động rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực. Chỉ lớn lên và nói một ngôn ngữ không có nghĩa là bạn sẽ có các kỹ năng này. Tôi luôn nhận thấy điều này trong những ngày đầu của một khóa học, khi các học viên dường như không thể ngừng việc nói như thể đang nói chuyện với bạn bè thay vì nói như phiên dịch viên.”

Và đó mới chỉ là những yêu cầu cần thiết với phiên dịch viên về tiếng mẹ đẻ của họ. Trên trang web của Hiệp hội Phiên dịch viên hội nghị Quốc tế (AIIC) có viết, để làm phiên dịch viên, “hiểu biết về ngôn ngữ cần ở trình độ có thể so sánh được với một người bản ngữ được đào tạo nói cùng ngôn ngữ đó.”

Lắng nghe và nhớ lại– Trong lĩnh vực phiên dịch, có hai phương pháp phiên dịch chính: phiên dịch đuổi và phiên dịch song song. Phiên dịch đuổi là phương thức phiên dịch đòi hỏi phiên dịch viên chờ diễn giả tạm dừng nói trước khi phiên dịch. Để đưa ra bản dịch chính xác, phương thức này đòi hỏi khả năng lắng nghe chủ động và tập trung, gợi nhớ lại ký ức, và ghi chú, bởi một diễn giả có thể nói từ vài giây đến vài phút một lần.

Phiên dịch đòi hỏi não hoạt động mạnh hơn bình thường rất nhiều. Các nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm với các môn học song ngữ và phát hiện ra rằng khi một người chuyển dịch giữa hai ngôn ngữ, bộ não sẽ dùng đến những vùng thường không được dùng khi sử dụng ngôn ngữ bình thường. Việc các vùng này được sử dụng cho thấy có một nhu cầu về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các hoạt động thần kinh, và quá trình xử lý ngữ âm trở nên khó hơn khi phải chuyển đổi giữa các ngôn ngữ.

(còn tiếp)



Để lại bình luận