Cách tốt nhất để dịch một bài thơ có lẽ là quên đi cấu trúc và vần điệu và chỉ đơn giản dịch ý nghĩa của nó với bạn.
Bất cứ điều gì được viết ra trong thế giới này một ngày nào đó cũng sẽ được đưa vào dịch thuật ngôn ngữ. Đó là quy tắc số 1 mà tôi sống theo, và nhìn chung thì nó cũng khá chính xác. Khi một văn bản được xuất bản, in ra hay đăng tải ở đâu đó, nhiều khả năng một lúc nào đó sẽ có người muốn đọc chúng, muốn biết nội dung của chúng và từ đó nhờ cậy đến các dịch vụ dịch thuật nếu chúng được viết trong một ngôn ngữ khác. Điều này phản ánh cả bản chất con người – chúng ta luôn tò mò và muốn chia sẻ văn hóa của mình – cũng như bản chất kinh tế – chúng ta thích kiếm tiền từ mọi thứ, và vì thế phải tìm ra nhiều thị trường nhất có thể.
Những khía cạnh này là động lực thúc đẩy chúng ta đưa ra quyết định điên rồ là dịch thuật các tác phẩm thơ.
Điên rồ? Nhận định đó có vẻ hơi gay gắt. Nhưng thơ thực sự không thích hợp để dịch ra ngôn ngữ khác, nên rất khó tìm một cách khác để mô tả mong muốn dịch thuật thơ ca. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến dịch thơ, và cá nhân tôi nghĩ rằng chỉ có một giải pháp duy nhất để công tác dịch thơ trở nên khả thi.
Các vấn đề với thơ ca
Rất nhiều vấn đề có thể khiến việc dịch thơ trở nên gần như là bất khả.
Các ngôn ngữ hiếm khi tương thích với nhau về nhịp điệu, cấu trúc âm hay các từ có vần với nhau.
Thơ ca sử dụng những thành phần khó nhất của ngôn ngữ – ẩn dụ, so sánh, biểu tượng, thành ngữ.
“Ý nghĩa” của thơ thường nhiều lớp, được hiểu theo nhiều cách khác nhau và đầy tính nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải chuyên gia dịch thuật nào cũng là những nghệ sĩ.
Tôi hiểu khao khát mang thơ ca vượt khỏi những rào cản văn hóa để thể hiện những tư tưởng và vẻ đẹp ẩn chứa trong chúng tới một bộ phận người đọc mới, những thách thức nêu trên cũng như nhiều thách thức khác có thể biến công việc này thành việc của một kẻ ngốc – trừ phi bạn quyết định nhượng bộ.
Một cách tiếp cận thực tế
Cách duy nhất để tiếp cận với dịch thuật thơ theo tôi là để những câu hỏi về vần điệu, cấu trúc và âm luật sang một bên, và đơn giản chỉ dịch ý nghĩa của bài thơ theo cách tốt nhất có thể sang hình thức văn xuôi.
Một mặt, sẽ có người lập luận rằng bản dịch không còn là một bài thơ nữa, cũng chẳng có điểm gì giống bản gốc. Tôi sẽ làm rõ chuyện đó. Bản dịch sẽ không phải là một bài thơ – nhưng nó sẽ gần gũi hơn rất nhiều với mục đích ban đầu của bài thơ. Vấn đề là việc cố tái tạo lại cấu trúc, nhịp điệu và âm luật giữa những ngôn ngữ không tương thích với nhau sẽ ngốn gần hết thời gian và năng lượng của bạn, và cuối cùng bạn cũng sẽ chỉ có được một bản dịch vô hồn – vì bạn tập trung vào hình thức thay vì nội dung – thay vì làm việc đơn giản hơn là bỏ hết những lo lắng về hình thức đi.
Tất nhiên, một số thiên tài có thể dịch các bài thơ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không gặp phải bất cứ vấn đề nào, nhưng nhìn chung tôi vẫn duy trì quan điểm của mình là: Nếu bạn phải dịch thơ, hãy dịch chúng và đừng quan tâm đến vần điệu hay hình thức. Nói cách khác, hãy dịch linh hồn của bài thơ như bạn cảm nhận, và đừng lo lắng về bất kỳ điều gì khác. Bởi xét cho cùng, đó là điều có ích nhất chúng ta có thể làm.
Để lại bình luận