0934425988 <=
dichsohn@gmail.com

Phiên dịch: Một lịch sử

Lịch sử phiên dịch
Chúng ta không biết chính xác ngôn ngữ được tạo ra khi nào, nhưng có thể giả định một cách an toàn rằng không lâu sau khi ký hiệu và cử chỉ không còn đủ để đáp ứng cho giao tiếp, những phiên dịch viên đầu tiên đã xuất hiện để tạo điều kiện cho những người nói những thứ tiếng khác nhau có thể hiểu được nhau. Những tài liệu cổ xưa nhất về sự xuất hiện của phiên dịch viên có từ thời Ai Cập cổ đại. Một số bức phù điêu cổ cũng ghi lại cảnh phiên dịch viên đang làm việc. Trên văn bia dựng cho một vị hoàng tử của Elephantine từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên có nhắc đến một “phiên dịch viên thủ lĩnh”. Các nguồn tài liệu khác cùng thời kỳ cũng ghi chép lại rằng các phiên dịch viên là một phần quan trọng của dịch vụ công cộng và được Herodot liệt kê như một trong những hiệp hội chuyên nghiệp ở Ai Cập. Phiên dịch viên cung cấp dịch vụ cho chính quyền, thương mại, đời sống tôn giáo, và lực lượng vũ trang.

Tương tự, người Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng thường có những phiên dịch viên thực hiện công tác phiên dịch bằng cách thì thầm vào tai người đối thoại (khi đó chưa có buồng kín dành cho phiên dịch song song). Ví dụ, trong Cuộc chiến Gallic, Caesar đã nhắc đến những “phiên dịch viên thường trú”, và Cicero đã thiết lập nên quy tắc vĩnh cửu rằng chỉ những phiên dịch viên ngu ngốc mới đưa ra bản dịch nghĩa đen. Người La Mã và Hy Lạp cần phiên dịch viên vì có rất ít người trong số họ chịu hạ mình học ngôn ngữ của những tộc người bị họ chinh phục – một điều mà họ cho là hạ thấp giá trị của mình. Vì vậy, việc sử dụng phiên dịch viên cũng phản ánh khía cạnh chính trị của nó. Chế độ cai trị của người La Mã đòi hỏi họ phải thể hiện được sự ưu việt của mình, kể cả khi không cần thiết, một thực tế thường xuyên được nhấn mạnh trong các tác phẩm của Valerius Maximus. Tuy nhiên, ở thời đó, các phiên dịch viên hiếm khi được tôn trọng. Hầu hết họ là nô lệ, tù nhân chiến tranh, hoặc bị đi đày ở các vùng biên giới, tức là những người mà lòng trung thành không thể được coi là một sự hiển nhiên. Ví dụ, Hoàng đế La Mã Caracalla đã kết đồng minh với những người cai trị các tộc người ông chinh phạt và huy động họ hành quân về Rome trong trường hợp ông bị ám sát. Những nhân chứng duy nhất của các cuộc đàm phán này là những phiên dịch viên. Vì thế, họ bị giết ngay sau khi đàm phán kết thúc.

Tuy nhiên, trong thời Trung cổ, nghề phiên dịch lại được đánh giá cao. Các phiên dịch viên rất được ngưỡng mộ và thậm chí còn trở thành thành viên tòa án. Ngoài vai trò quan trọng của họ trong các cuộc đàm phán quốc tế thời chiến cũng như thời bình, các phiên dịch viên cũng là một phần thiết yếu trong các hành trình thương mại cùng các cuộc thập tự chinh để truyền đạo Thiên Chúa. Họ được tin dùng trong các tu viện, nơi có các thầy tu tới từ các quốc gia khác nhau, tại các hội đồng và hội nghị tôn giáo, và theo chân các nhà truyền giáo cũng như thuyết giáo đến những vùng đất xa xôi. Từng có nhiều nỗ lực đưa ra một ngôn ngữ chung nhưng rốt cuộc, sử dụng phiên dịch viên vẫn là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong các cuộc giao tiếp giữa những người nói những ngôn ngữ khác nhau. Thời đại của những khám phá vĩ đại ở hải ngoại và thám hiểm đến châu Phi cũng chính là những ngày hoàng kim của nghề phiên dịch. Những phiên dịch viên tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái đôi khi không có ích trên những chuyến tàu thám hiểm, và chẳng bao lâu sau, Columbus và đoàn thám hiểm của ông đã bắt đầu dùng đến những người bản địa bị bắt giữ, dạy cho họ ngôn ngữ của những người đi chinh phục và biến họ thành các phiên dịch viên cho các chuyến thám hiểm tiếp theo. Các nhà thám hiểm đồng nghiệp từng bị người dân bản địa bắt giữ, sau đó được thả ra, và trong thời gian bị bắt đã học được ngôn ngữ bản địa cũng thường được nhờ cậy. Canada là nơi có các “phiên dịch viên thường trú”. Những người bản xứ nói tiếng Pháp đã định cư cùng người Huron và người Iroquean và được cho là đáng tin hơn người Indian da dỏ. Những phiên dịch viên này đóng vai trò rất quan trọng trọng việc phát triển các quan hệ thương mại giữa người Pháp và người bản địa.

Điều tương tự cũng diễn ra trong các chuyên thăm dò và cải đạo tại châu Á. Để tạo điều kiện giao tiếp với các quan chức và học giả người Trung Quốc, các nhà truyền giáo đã dịch các tác phẩm của các học giả phương Tây và các văn bản Thiên Chúa giáo sang tiếng Trung. Thế kỷ 17 đã chứng kiến một phiên dịch viên có sự nghiệp rất đáng kinh ngạc. Constantin Phaulcon, một người Hy Lạp, xuất phát điểm là một cậu bé quét dọn trên tàu, đã học tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và tiếng Thái Lan, sau đó tham gia Công ty Đông Ấn và nhanh chóng thăng tiến lên những vị trí cao nhất, cuối cùng trở thành Thủ tướng trong triều đình của vua nước Xiêm.

Trong khi đó ở châu Âu, tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ chung của giới ngoại giao nhờ quyền lực chính trị bao trùm của nước Pháp. Và vì thế, nhu cầu phiên dịch viên cũng bị giảm đi. Tuy nhiên ở những quốc gia khác, sự phát triển này không phổ biến. Do sự thù địch lâu dài với nước Pháp, Hoàng đế Leopold I của Habsburg đã chọn tiếng Ý thay vì tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức trong triều đình của mình. Tương tự, những người cai trị đế chế Ottoman cũng từ chối dùng tiếng Pháp và tiếng Latinh khi giao tiếp với các quốc gia châu Âu. Cả hai triều đình này đã tự mình đào tạo phiên dịch viên. Vì mục đích này, hoàng đế Constantinopole đã thành lập trường Thông ngôn, và ở Vienna, nữ hoàng Maria Theresia cũng đã thành lập học viện Oriental, sau đó đổi tên thành Học viện Ngoại giao vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các phiên dịch viên tiếp tục được các nhà truyền giáo và thương nhân, các vị tướng và những nhà cách mạng, vua chúa và những người chinh phục tin dùng, trong khi các nhà ngoại giao vẫn chủ yếu dựa vào tiếng Pháp tới tận Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, tại Hội nghị Hòa bình Paris sau Thế chiến thứ nhất, các nhà đàm phán đã đề nghị khả năng sử dụng thêm các ngôn ngữ khác, dẫn đến việc sử dụng hình thức phiên dịch đuổi.

Khoảng thời gian giữa hai cuộc Thế chiến cũng là lúc diễn ra sự phát triển nhanh chóng của nhiều tổ chức quốc tế lớn như Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) và Tổ chức Lao động Thế giới ILO. Một cách tự nhiên, số lượng những cuộc họp quốc tế cấp cao cũng tăng lên, kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng phiên dịch viên. Ban đầu, hình thức phiên dịch đuổi được lựa chọn, tức là phiên dịch viên sẽ ghi chú khi diễn giả đang nói, sau đó truyền đạt lại nội dung thông tin sang ngôn ngữ đích từ một lễ đài sau khi diễn giả đã nói xong. Không cần phải nói cũng biết cách này tốn thời gian ngang bằng với diễn giả, dẫn đến việc các cuộc họp thường rất dài và chẳng hề còn một chút tính tự phát nào. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển một hình thức phiên dịch mới ít tốn thời gian và thuận lợi hơn cho tất cả mọi người – phiên dịch song song.

Phiên dịch song song được phát triển gần như cùng lúc tại cả Mỹ và Liên Xô, mang lại sự kết nối trực tiếp giữa các diễn giả. Phiên dịch viên sẽ truyền đạt lại nội dung thông tin một cách đồng thời với diễn giả tới người nghe. Quá trình này liên quan đến một hệ thống cực kỳ phức tạp gồm dây dẫn, micro và tai nghe. Người Mỹ đã nhờ đến Đại Tá Leon Dostert, một cựu phiên dịch viên của Tướng Eisenhower phát triển một hệ thống phiên dịch song song. Có rất ít thứ mà Dostert có thể dùng cho công việc của mình ngoài các thử nghiệm của phiên dịch viên Andrea Kaminker, người đã phát triển hệ thống phiên dịch của riêng mình cho đài phát thanh tiếng Pháp và dùng nó để dịch bài phát biểu lớn đầu tiên của Hitler năm 1934. Cũng trong khoảng thời gian này, IAO cũng cùng một hệ thống gọi là “hệ thống dịch đuổi qua điện thoại” mà sau đó không thành công. Phương pháp phiên dịch mới đã chứng minh tầm quan trọng của mình tại các phiên tòa Nuremberg, nơi các vụ xét xử được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nga và Đức. Các phiên dịch viên sẽ ngồi ngay bên cạnh phạm nhân và được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm 12 người làm việc theo lịch trình nghiêm ngặt như sau: nhóm A dịch trong 45 phút, nhóm B lắng nghe ở phòng bên cạnh. Sau khi giải lao, hai nhóm sẽ đổi phiên cho nhau. Trong khi đó, nhóm C có hẳn một nửa ngày để nghỉ.

Phiên dịch song song không chỉ giúp cắt giảm thời gian mà còn cải thiện đáng kể chất lượng và tính chính xác của thông tin được truyền tải. Đó là khởi đầu cho khúc khải hoàn của phiên dịch song song trước phiên dịch đuổi – nó đã thay thế gần như hoàn toàn thay thế loại hình phiên dịch này. Tới nay, phiên dịch đuổi chỉ còn giới hạn trong những dịp cực kỳ đặc biệt, ví dụ như những bài phát biểu trong bữa tối, hoặc những sự kiện đặc biệt mà không hệ thống phiên dịch nào có sẵn hay có thể được sử dụng. Ví dụ, năm 1947, Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 152, theo đó đưa phiên dịch song song thành một dịch vụ thường trú. Ngày nay, các cuộc họp tại Liên Hợp Quốc sẽ được dịch giữa các tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga và Ả Rập. Liên minh châu Âu cũng cung cấp dịch vụ phiên dịch song song với tất cả 23 ngôn ngữ chính thức của mình, tức là hàng trăm kết hợp ngôn ngữ. Việc lên kế hoạch các cuộc họp do đó cũng trở nên phức tạp hơn, và thường được máy tính thực hiện. Mặc dù hoạt động có hiệu quả, nhưng máy tính không thể thực sự hiểu tất cả các sắc thái và biến thể tinh vi của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là bằng chứng sống của văn hóa, thiết lập xã hội, truyền thống và lịch sử của những người sử dụng ngôn ngữ đó, một sự phản ánh tính cách và cảm xúc của người nói, nguồn gốc xã hội và ý định của họ. Chỉ có bộ não của một phiên dịch viên là con người là phù hợp để nắm bắt toàn bộ những biểu hiện nhiều mặt của những đặc điểm đó trong một ngoại ngữ dựa vào ngữ cảnh và truyền đạt lại thông tin một cách chính xác.


DỊCH TIẾNG là một trong số những nhà cung cấp dịch vụ dịch thuật hàng đầu tại Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn cung cấp dịch vụ dịch thuật đối với hơn 20 loại ngôn ngữ khác nhau. Công ty Dịch Tiếng đáp ứng nhu cầu dịch thuật tài liệu kỹ thuật, pháp lý, học thuật, y học và marketing, cùng nhiều loại tài liệu khác. Quý khách hàng vui lòng tham khảo thêm thông tin trên website http://www.dichthuattieng.com/ hoặc liên hệ hotline +84 934 425 988.



Để lại bình luận