0934425988 <=
dichsohn@gmail.com

Những lời khuyên hàng đầu cho phiên dịch viên

Nếu bạn muốn là một phiên dịch viên chuyên nghiệp, bất kể bạn nói ngôn ngữ gì, có một vài điều mà bạn cần phải chú ý như sau.

Nếu bạn muốn là một phiên dịch viên chuyên nghiệp, bất kể bạn nói ngôn ngữ gì, có một vài điều mà bạn cần phải chú ý như sau.

1. Trang phục
Hãy ăn mặc một cách thông minh, phù hợp với địa điểm và sự kiện. Hãy hỏi trước khách hàng về sự kiện mình sắp tới phiên dịch (hội nghị/tiệc) hoặc tìm hiểu xem mình nên mặc gì và không nên mặc gì khi đến những địa điểm cụ thể (tòa án, nhà tù, bệnh viện, v…v…) Nhìn chung thì quần bò, giày thể thao hay dép xỏ ngón không phải là lựa chọn đúng đắn trong hầu hết các tình huống phiên dịch. Quần âu thường được chọn hơn là váy cho các phiên dịch viên nữ khi phải tới phiên dịch trong trại giam, và đeo quá nhiều đồ trang sức khi đi làm cũng là điều nên tránh.

2. Đúng giờ
Hãy đến đúng giờ. Thực tế, bạn cần đến trước giờ hẹn tối thiểu 15 phút. Không chỉ giao thông có thể bất ngờ làm bạn đi trễ, mà bạn rất có thể sẽ phải mất thời gian định hướng và tìm địa điểm mình cần đến hoặc thậm chí đi lạc. Hơn nữa, đến sớm sẽ cho bạn cơ hội tìm hiểu thêm một chút về sự kiện, làm quen với các thủ tục, tình huống và những người tham gia.

3. Giữ bí mật
Đây là một khía cạnh vô cùng quan trọng với nghề phiên dịch (và cả nghề biên dịch). Bạn không bao giờ được tiết lộ hay thảo luận với bất cứ ai về chi tiết những nội dung bạn biết nhờ đi phiên dịch. Hành động đó không chỉ khiến bạn mất khách mà còn có thể làm bạn phải đối mặt với các hậu quả pháp lý.

4. Tính chuyên nghiệp
Đừng nhận làm việc với những chủ đề bạn không có đủ trình độ hay kinh nghiệm để thực hiện. Công việc của bạn hết sức quan trọng. Những lỗi sai hay hiểu nhầm do phiên dịch có thể khiến khách hàng của bạn phải trả giá đắt. Và không phải chỉ là vấn đề tiền bạc – thử tưởng tượng một phiên dịch viên không có trình độ hay kinh nghiệm tới phiên dịch tại một phiên tòa hay buổi khám bệnh mà xem – cuộc đời của một ai đó có thể sẽ bị ảnh hưởng vô cùng tiêu cực. Tất cả chúng ta đều phải bắt đầu từ một mốc nào đó, và vì thế chúng ta có lời khuyên thứ 5.

5. Kiểm tra
Hãy hỏi lại cho rõ ràng nếu bạn không chắc chắn, chưa nghe thấy hay không hiểu điều gì vừa được nói ra. Đừng nghĩ rằng điều đó sẽ làm bạn trông kém chuyên nghiệp. Ngược lại là đằng khác. Đảm bảo rằng phần phiên dịch của bạn không có vấp váp nào sẽ giúp khách hàng của bạn hưởng lợi và họ chắc chắn sẽ đánh giá bạn rất cao vì điều đó.

6. Nghiên cứu
Hãy tìm hiểu về sự kiện mình sắp tới phiên dịch càng nhiều càng tốt. Nếu có thể, hãy đề nghị khách hàng cung cấp cho mình những tài liệu như bài thuyết trình, bài phát biểu, tóm tắt nội dung, từ vựng, thuật ngữ, v…v… từ trước, để bạn có thời gian nghiên cứu bất cứ từ ngữ nào bạn thấy không quen.

7. Ngôn ngữ
Luôn sử dụng ngôi thứ nhất khi phiên dịch. Hãy bắt đầu câu nói bằng từ “Tôi” thay vì “Ông/bà ấy nói rằng…”

8. Sự trọn vẹn
Đừng tóm tắt những gì đang được nói ra trừ phi bạn được yêu cầu làm điều đó. Bạn cần phải phiên dịch mọi thứ mà không bỏ qua hay thay đổi bất cứ phần nào.

9. Sự khách quan
Đừng đưa ra ý kiến chủ quan của bạn. Bạn được mời tới để phiên dịch, không phải để cho lời khuyên. Bất kể bạn có nghĩ về tình huống này như thế nào, dù bạn đồng ý hay không, bạn cũng phải giữ nguyên thái độ khách quan cho đến khi công việc kết thúc.

10. Hóa đơn
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy mang theo một tờ hóa đơn in khi đi làm (trừ phi bạn đã thỏa thuận thanh toán theo cách khác với khách hàng). Một hóa đơn viết tay trông sẽ không chuyên nghiệp một chút nào cả.



Để lại bình luận