0934425988 <=
dichsohn@gmail.com

Lời khuyên cho các phiên dịch viên mới vào nghề (P1)

Nếu bạn đang cảm thấy băn khoăn không biết những gì đang chờ đón mình khi bắt đầu làm phiên dịch viên, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để có những bước khởi đầu thuận lợi nhất.


 

Nếu bạn đang cảm thấy băn khoăn không biết những gì đang chờ đón mình khi bắt đầu làm phiên dịch viên, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để có những bước khởi đầu thuận lợi nhất.

Đầu tiên và quan trọng nhất: sự bình tĩnh Những phiên dịch viên chưa có kinh nghiệm luôn cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải ngồi trong một cabin kính và nhìn xuống một hội trường rộng lớn có tới 5000 người đang lắng nghe từng lời của mình. Lời khuyên ở đây là: hãy quên đi bản thân mình là ai. Hãy đóng vai một phiên dịch viên hội nghị.

Rất nhiều diễn viên nổi tiếng từng thú nhận rằng ngoài đời họ là những người rất rụt rè, nhưng khi bước lên sân khấu và trở thành một người khác, họ không còn cảm thấy như vậy nữa. Hãy nghĩ về những bồi bàn người Ý – họ không chỉ đứng chờ tại bàn, họ đóng vai bồi bàn hoàn hảo với chiếc khăn trắng khoác ở một bên tay cùng những cử chỉ, tư thế, biểu cảm gương mặt mà vai trò của họ yêu cầu. Có rất nhiều phiên dịch viên ở ngoài đời không thể nói chuyện mà không lắp bắp một đôi câu, nhưng khi ngồi sau micro và làm công tác phiên dịch, họ không nói vấp câu nào. Lý do là vì họ không còn đơn thuần là một người nào đó đang nói nữa, họ đã trở thành Phiên dịch viên. Hãy hít một hơi thật sâu trước khi bắt đầu và vào vai Phiên dịch viên song song hoàn hảo, và bạn sẽ ổn.

Một suy nghĩ nữa giúp các phiên dịch viên trấn tĩnh, nhất là khi phiên dịch đuổi là: những gì họ đang làm là giúp mọi người hiểu nhau. Suy nghĩ đó luôn khiến vai trò của người phiên dịch trở nên rõ ràng hơn, và giúp họ đỡ bị “khớp”.

Làm việc trong các hội nghị y tế là một vấn đề nếu như bạn có trí tưởng tượng sống động. Phiên dịch viên có thể tưởng tượng ra những triệu chứng của mọi căn bệnh mà họ đang phiên dịch, cảm thấy như có con gì bò trong mạch máu ở chân tay khi dịch cho hội nghị các chuyên gia về bệnh sán màng, thấy đau bụng khi dịch cho hội nghị về dịch tả, hay phát sốt khi dịch hội nghị sốt rét, hoặc thấy đau nhức khi nói về ký sinh trùng leishmaniasis. Phiên dịch viên hội nghị về phẫu thuật chỉnh hình nhiều khi phải vừa nhắm mắt vừa dịch khi trên màn hình xuất hiện các hình ảnh mô tả quy trình phẫu thuật. Thế nhưng, tất cả có thể được khắc phục nếu bạn quên đi bản thân và vào vai Phiên dịch viên chuyên nghiệp điềm tĩnh hoàn hảo.

Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tâm sự với đồng nghiệp. Thường thì mọi người sẽ cùng nhau hỗ trợ bạn khi họ biết bạn gặp rắc rối.

Hãy kiểm soát giọng nói và cách truyền đạt để người nghe không thấy quá rõ sự căng thẳng của bạn. Đừng nâng tông giọng lên quá cao, nhất là khi đang phiên dịch cho một diễn giả nói nhanh và khó nghe. Điều này sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh.

Nếu một diễn giả nào đó khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy thử tưởng tượng người đó trong một tình huống buồn cười, ví dụ như chỉ mặc quần đùi hay vừa tỉnh dậy vào buổi sáng với đầu tóc rối bù. Diễn giả cũng chỉ là con người giống như tất cả chúng ta mà thôi. Nếu bạn thấy chất giọng của diễn giả hơi khó nghe, hãy nói chuyện với diễn giả trong giờ giải lao và hỏi xem phần phiên dịch của bạn có hợp lý không. Bằng cách nói chuyện với diễn giả, bạn sẽ hiểu họ muốn nói gì hơn khi bước lên sân khấu diễn thuyết.

Phiên dịch viên phải hoàn toàn tập trung vào công việc chừng nào hội nghị vẫn còn chưa chấm dứt. Bạn có thể tỉnh dậy lúc nửa đêm với một ý nghĩ thế này trong đầu: Đáng ra nên dịch chỗ đó là X chứ không phải là Y. Ý nghĩ đó sẽ làm bạn lo lắng, ám ảnh, nhưng bạn chẳng thể làm gì được. Lời đã nói ra không thể thay đổi. Đây chỉ là một trong những vấn đề mà phiên dịch viên phải học cách sống chung.

Điều chỉnh âm lượng

Một sai lầm mà các phiên dịch viên mới vào nghề hay mắc là bật âm lượng tai nghe quá to để tránh nghe sót điều gì. Họ quên rằng điều quan trọng không kém là họ phải nghe thấy cả giọng của mình, bởi nếu không, họ sẽ không thể hoàn thành câu nói hay trau chuốt bản dịch. Sự cân bằng giữa âm lượng trong tai nghe và âm lượng giọng nói của bạn là một vấn đề hết sức mang tính phụ thuộc cá nhân. Hãy luyện tập với âm lượng càng nhỏ càng tốt. Tiếng trong tai nghe càng to, bạn sẽ càng nói to theo, và chẳng có gì tệ hơn tiếng một phiên dịch viên vang khắp các kênh phiên dịch, làm những người khác cũng không thể tập trung. Vì thế, nếu thấy các đồng nghiệp ở các cabin khác đột nhiên đóng cửa lại, rất có thể là bạn đã nói quá to làm ảnh hưởng đến họ. Các phiên dịch viên mới vào nghề cần cố gắng hạ âm lượng và cao độ giọng nói của mình (khi lo lắng, chúng ta có xu hướng nói bằng giọng cao hơn). Bạn sẽ thấy rằng bằng cách điều chỉnh bảng điều khiển âm thanh, cân bằng giữa âm trầm và âm bổng, bạn có thể giảm âm lượng và bảo vệ thính giác của mình.

Trước khi bạn bắt đầu làm việc trong buổi đầu tiên, hãy kiểm tra các dụng cụ được phát phòng trường hợp có thứ gì đó bạn chưa hề thấy trước đây. Đầu tiên, hãy chắc chắn là bạn biết cách mở và tắt micro. Tại một số trung tâm hội nghị, khi đèn xanh bật sáng trong cabin nghĩa là micro đã tắt và phiên dịch viên có thể tự do nói chuyện với đồng nghiệp; còn khi đèn đỏ bật sáng có nghĩa là micro đã bật. Quy tắc màu sắc này có thể đảo ngược: xanh là micro đã bật, đỏ là đã tắt. Trong khoảng 1-2 tiếng làm việc đầu tiên, bạn sẽ thấy quy tắc này khá rắc rối.

Trước khi bắt đầu, hãy xem qua danh sách các diễn giả tham dự (nếu không có, hãy tìm báo cáo cuộc họp trước đó – trong đó có thể có một bản danh sách) để xem có cái tên nào khó phát âm, hay cái tên tiếng Anh nào bạn có thể không nhận ra khi được một diễn giả người Pháp, Tây Ban Nha hay Nga phát âm hay không. Hãy chắc chắn là bạn đã cập nhât cả tên các quốc gia có thể đã thay đổi sau các sự kiện chính trị (ví dụ như Liên bang Xô Viết hay Miến Điện – Myanmar), và bạn phải dùng đúng từ mà diễn giả sử dụng.

(còn tiếp)



Để lại bình luận