Trong bài viết trước, chúng ta đã thảo luận về việc trở thành một phiên dịch viên đòi hỏi không chỉ sự thông thạo ngôn ngữ thứ hai. Là một nghề chuyên môn cao, nó đòi hỏi cả đào tạo và thực hành.
Chúng ta đã đề cập đến hai kỹ năng là điều kiện tiên quyết để một người trở thành phiên dịch viên chuyên nghiệp – các kỹ năng ngôn ngữ và khả năng lắng nghe và gợi nhớ lại.
Trong phần hai này, chúng ta sẽ đi sâu vào ba kỹ năng khác cần được phát triển để trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp: Hành vi đạo đức, kiến thức văn hóa, và kiến thức chuyên môn.
1. Hành vi đạo đức: Bất kể làm việc trong lĩnh vực nào, các phiên dịch viên cũng có khả năng gặp những thông tin bí mật hoặc nhạy cảm. Phiên dịch viên làm việc trong các dịch vụ y tế đặc biệt phải hòa hợp với môi trường pháp lý mạnh mẽ quanh quyền riêng tư của bệnh nhân và người dùng dịch vụ.
Có hành vi đạo đức không chỉ là giữ kín những gì bạn đã nghe thấy. Trang web của Tòa án Mỹ nêu rằng một phiên dịch viên phải có sự công tâm và “có khả năng truyền đạt thông điệp một cách chính xác và phù hợp từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích mà không thêm, bớt hay gây hiểu nhầm hoặc sai lệch dẫn đến thay đổi ý nghĩa chủ đích của thông điệp từ người nói.” Một phiên dịch viên làm việc thiếu tinh thần đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh y tế sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng cứu sống bệnh nhân của bác sĩ. Vì vậy, các phiên dịch viên giữ trọng trách rất lớn và phải là những chuyên gia với lương tâm và đạo đức công việc.
2. Kiến thức văn hóa: Nói được hai ngôn ngữ vẫn chưa đủ, một người còn phải có hiểu biết về cả hai nền văn hóa phía sau hai ngôn ngữ đó. Nếu một người hiểu biết về cả hai nền văn hóa, một cách tự nhiên, họ sẽ hấp thụ sự nhạy cảm và sắc thái của cả hai nền văn hóa, và hình thành khả năng trở thành cầu nối giữa hai nền văn hóa họ thuộc về.
Tiến sĩ Holly Mikkelson thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey phát biểu: “Bất cứ khi nào trong công việc, các phiên dịch viên phải là cầu nối giữa những khoảng cách văn hóa và ý nghĩa chia cách những người tham gia một cuộc họp.”
3. Kiến thức về chủ đề được nói tới: Giả sử bạn được giao nhiệm vụ lắng nghe một bài giảng học thuật về kỹ thuật hàng không vũ trụ, sau đó lặp lại những gì bạn đã học được. Trừ phi bạn cực kỳ quen thuộc với ngành khí động lực học, bạn sẽ gần như chẳng thể hiểu bài giảng đang nói gì, chưa kể là phải lặp lại bài giảng đó theo một cách dễ hiểu cho người khác nghe.
Tương tự như vậy, một điều rất quan trọng nữa là một phiên dịch viên phải hiểu được nội dung chủ đề của cuộc hội thoại mà họ cần phiên dịch. Trong bối cảnh y tế chẳng hạn, phiên dịch viên nhất định phải biết những thuật ngữ, vấn đề và thủ tục y tế thường gặp. Nếu phiên dịch viên cảm thấy nội dung khó hiểu vì không có đủ kiến thức cần thiết về chủ đề hay vốn từ về chủ đề còn hạn hẹp, thì chắc chắn những người lắng nghe bản dịch của phiên dịch viên cũng không hiểu rõ hơn nội dung đang được nói tới là bao.
Để lại bình luận